Nghĩ tích cực

2020 là một năm kỳ lạ, kỳ lạ đến mức mới chỉ đến tháng Sáu thôi mà bao nhiêu sự kiện và thay đổi đã xảy ra, nhiều đến mức cảm giác như mình đang bước vào một thời đại mới. Mình muốn viết những dòng này để bản thân mình có thể giải thoát những suy nghĩ và bối rối trong đầu, mặt khác, nếu các bạn thấy có ích thì mình cũng vui. 

Một mùa hè bất ổn

Trong lúc mình viết những dòng này, cách nhà mình không xa là hàng trăm con người đang biểu tình ôn hoà để phản đối sự phân biệt chủng tộc. Những ca nhiễm mới của COVID-19 không còn là mối quan tâm duy nhất của thế giới nữa. Cũng đúng thôi vì COVID-19 là bệnh, được công nhận bởi toàn thế giới và một khi đã được công nhận thì sớm hay muộn một ai đó, một cơ quan, nhà nước nào đó sẽ tìm ra liều thuốc. Điều đó cũng giải thích được tại sao phân biệt chủng tộc lại đáng sợ hơn COVID-19, vì sự bất công (injustice) không thể có liều thuốc nếu chưa được công nhận là một vấn đề. 
Câu chuyện
Hãy nói về mùa hè này, sự hỗn loạn bắt đầu vào một ngày cuối tháng Năm ở Minneapolis (bang Minnesota). Một cửa hàng tạp hoá gọi đến 911 để báo về một người đàn ông da đen vừa mua thuốc lá ở đây với tờ tiền có vẻ là giả. Cảnh sát ập đến trong phút chốc và bắt người đàn ông da màu đang có hơi men và hút thuốc ở ngoài cửa hàng tạp hoá nọ, người đàn ông hợp tác với cảnh sát và bị còng tay ngay tức khắc, cũng như không có vũ khí trong người. 1 người cảnh sát dùng đầu gối ghì cổ người đàn ông da đen xuống đất trong khi 2 người cảnh sát khác đè toàn bộ thân người đàn ông này, anh liên tục nói "Làm ơn, tôi không thở được" nhưng 3 người cảnh sát vẫn tiếp tục ghì đè người đàn ông da đen, khiến anh tử vong ngay sau đó. Người đàn ông da màu tên George Floyd, và toàn bộ 10 phút của sự việc trên được ghi lại bằng một chiếc điện thoại mà sau đó video này đã phủ sóng toàn bộ ngóc ngách của Internet. 
Kể từ đó, từ Mỹ đến mọi nơi trên thế giới, các cuộc biểu tình nổ ra với mục đích yêu cầu chính quyền đưa những viên cảnh sát nọ ra xét xử trước pháp luật thay vì chỉ bị đuổi việc. 
Để hiểu thêm sự phức tạp của vấn đề này, câu chuyện của George Floyd là giọt nước làm tràn ly, là sự đỉnh điểm của giận dữ trong con đường đi kiếm tìm sự công bằng của mỗi con người sống trên đất nước tự do này. Trước đó vài ngày, một người phụ nữ da trắng gọi điện cho 911 để báo khống rằng một người đàn ông da đen đang uy hiếp cô tại công viên Central Park (New York) sau khi ông chỉ muốn nói cô hãy buộc dây con chó của cô lại vì khu vực họ đang dừng chân yêu cầu thú cưng phải được giữ lại trong dây. Trước đó vài tuần, một thanh niên da đen bị bắn khi đang chạy tập thể dục trên con đường gần nhà (Georgia) bởi 2 bố con người đàn ông da trắng, vì họ nghi rằng anh ta là một kẻ trộm trong khu phố. Rất nhiều sự việc xảy ra liên quan đến người da đen bị giết bởi cảnh sát do nhầm lẫn, do nghi ngờ nhưng chưa có chứng cứ, và trong các sự việc, cảnh sát thường không phải đối mặt với sự xét xử của toà, trở thành một sự mặc nhiên kỳ lạ. 
Từ sự uất ức vốn vẫn đang âm ỉ bấy lâu trong cộng đồng người da đen, và đến sự phân biệt chủng tộc nhắm đến người châu Á do virus COVID-19, hàng trăm hàng ngàn con người trên đất Mỹ đã không ngừng đem tiếng nói của họ vang lên để yêu cầu một cuộc xét xử công bằng cho những người da đen đã bị giết không có lý do. 
Hỗn loạn, bạo lực và hôi của
Những hoạt động nhân đạo và biểu tình ôn hoà đã gây những tác động lớn cho nhiều nơi trên nước Mỹ. Nhưng kéo theo đó cũng là sự mất kiểm soát và hỗn loạn. Nhiều thành phần cá nhân lợi dụng sự bất ổn để phá hoại các cửa hàng và hôi của. Những thành phần cá biệt này phần lớn không đại diện cho một tổ chức hay đấu tranh cho một mục đích nào cho người da màu, chỉ là sự đi kèm của hỗn loạn, và một mặt để công kích bạo lực từ phía cảnh sát và cả từ phía người biểu tình. Nhiều người đã bị bắn và bị thương, từ cả hai phía. Giờ giới nghiêm được đặt ra cho hầu hết các thành phố lớn. Bạo loạn không phải mục đích của biểu tình, trong khi bạo loạn là để kích động bạo lực thì biểu tình là đem tiếng nói ra công chúng, để mọi người thấy vấn đề và tìm hiểu vấn đề. Mình không đồng tình với bạo lực nhưng mình không đánh đồng người đập phá và hôi của là những nhà hoạt động của phong trào này. Những cửa hàng đều có bảo hiểm, tiền và vật chất có thể bù đắp lại. Nhưng mạng người không thể lấy lại, đó là lý do vì sao phải khiến thế giới công nhận sự bất công đang diễn ra và giải quyết nó, thì bạo loạn sẽ không có cơ hội xảy ra. Dùng vũ lực trên mọi hình thức đều không thể vùi dập những sự thật và hiển nhiên của xã hội, sự nhận ra HIV-AIDS và phong trào công nhận LGBTQ là hai ví dụ lớn cho điều đó.

Một điểm ghi chú khác, rằng năm nay là năm bầu cử. Bầu cử ở Mỹ thực sự là một cuộc chơi chính trị lớn, và các bước đi của những người tranh cử cũng được chính trị hoá, nhiều đến mức các nguồn tin đều trở nên đáng nghi ngờ vì có thể phục vụ cho một mục đích chính trị chứ không phải đặt con người làm trọng tâm. Và đó là nước Mỹ. 

Tự ngẫm

Trong một thời gian ngắn, nước Mỹ mở ra nhiều thứ làm mình suy nghĩ và đặt nhiều câu hỏi: 
- Hệ thống bảo hiểm và phúc lợi: Vì sao một người dân bình thường, có công ăn việc làm đầy đủ, lại phải đối mặt với cái chết chính tại ngôi nhà mình vì không được nhập viện? Vì sao một gia đình làm công ăn lương bình thường phải dùng đến Gofundme để kêu gọi giúp đỡ họ có tiền khám cho đứa con nhỏ của họ vì đứa bé có "nguy cơ" bị hở van tim?
- Chính sách nhập cư: Vì sao mỗi người nước ngoài đóng thuế và xây dựng cho đất nước này luôn trong thấp thỏm lo sợ vì các chính sách thay đổi chóng mặt và không thống nhất?
- Sự bất công: Vì sao màu da lại có thể quyết định vận mệnh của một con người nhiều đến vậy, và khác nhau đến vậy giữa các màu da không giống nhau? 
Điều thứ ba đã tác động nhiều nhất đến mình. Sếp của mình ở Facebook là một người da đen. Anh cũng lớn lên ở thành phố Minneapolis, và anh cũng từng sống cùng ông bà anh ở một nơi chỉ cách địa điểm George Floyd bị trấn áp vài phút đi bộ. Anh chia sẻ, có thể chính anh, hay em trai anh, hay bất kỳ người bạn nào của anh, có thể trở thành một George Floyd. Anh có một gia đình nhỏ với vợ là người Mỹ gốc Việt, và họ có một cô con gái nhỏ xíu. Cô bé có gương mặt xinh xắn và làn da màu mixed của hai bố mẹ - một cách nói khác, cô bé cũng là một người Mỹ gốc Việt. Mình tự xót xa, liệu tương lai của cô bé có khác? 
Bản thân mình cũng rất quan tâm đến lịch sử giải phóng người da màu ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ mình nhận ra sâu sắc hành trình ấy chông gai như thế nào. Trong khi COVID-19 nhanh nhóng được nhìn nhận và đưa vào kế hoạch chữa trị của các cơ sở thí nghiệm, sự bất công do phân biệt chủng tộc lại chưa được nhìn nhận là một việc có thật, vì lẽ đó, con đường để tiến đến liều thuốc chữa vẫn còn rất dài.

Tích cực sống

Trong FB có nhiều tiếng nói vang lên, rất nhiều cánh tay dang ra và nhiều câu chuyện được chia sẻ, để các đồng nghiệp có thể hiểu và quan tâm lẫn nhau, giúp cho cộng đồng của những người đang bị tổn thương được lành lại. Có nhiều anh chị đã có gia đình và họ đang tìm cách giải thích cho những đứa trẻ về những gì đang diễn ra trên thế giới. Cũng như những gia đình ấy, mình tin rằng, sự kỳ thị cần được định danh cụ thể và cần được nói ra, để không chỉ trẻ em mà bất cứ ai còn chưa biết thì nên có nguồn thông tin để hiểu rõ hơn.
Mình quyết định thay vì vật vã với cái hố của những suy nghĩ u uất và ức chế do mình đào ra, mình quyết định sẽ làm những việc có ích hơn, để sống tích cực hơn, ví dụ như là chia sẻ với các bạn những thông tin dưới đây:

#1 

Phân biệt chủng tộc ở Mỹ là một vấn đề ảnh hưởng mang tầm hệ thống (systemic racism), không phải ở tầm ảnh hưởng cá nhân. Mang tầm hệ thống có nghĩa sinh ra là một người da màu sẽ có những hạn chế trong việc lớn lên và phát triển, từ việc đi học, tham gia hoạt động ngoại khoá, đến việc học Đại Học, hay xin việc làm, mua nhà, làm việc với ngân hàng, v.v. đều đối mặt với sự bất công vô hình, mà không phải do lỗi của một cá nhân hay tổ chức nào. Việc phân biệt chủng tộc không chỉ nhắm đến người da đen, mà là người da màu nói chung. Trong đó, ảnh hưởng không nhỏ đến người châu Á. 
Để hiểu thêm về vấn đề này, mọi người có thể xem một clip hoạt hình ở đây (có thể chọn auto-translate để xem với phụ đề tiếng Việt):

#2 

Để hiểu vì sao chúng ta - người Việt Nam, cũng CẦN quan tâm đến sinh mạng của người da đen và những phong trào đang diễn ra trên thế giới để bảo vệ sinh mạng người da đen, mình rất khuyến khích mọi người đọc lá thư này, và chia sẻ đến ông bà, bố mẹ, gia đình và bạn bè của bạn:

#3

Nếu có những từ bạn không hiểu, Twitter post này chia sẻ những thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong phong trào này. 

#4 

Nếu bạn có điều kiện, hãy cân nhắc quyên góp cho các tổ chức hỗ trợ cho các cuộc biểu tình và phong trào này ở đây.

#5

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những nguồn thông tin khác từ phim ảnh hay sách báo dựa trên những câu chuyện có thật, bạn có thể cân nhắc các nội dung rất hay dưới đây (ý kiến cá nhân): 
Phim ảnh:
- Explained: The Racial Wealth Gap (Netflix)
- 13th (Netflix)
- When They See Us (Netflix)
- Just Mercy
- If Beale Street Could Talk 
- 12 Years A Slave
Sách báo:
- I Know Why The Caged Bird Sings - Maya Angelou
- Talking With Strangers - Malcolm Gladwell
Why this time is differentThe New Yorker

Nếu bạn thấy thông tin này có ích, hãy share với người khác. 
Vì mỗi hành động tích cực sẽ giúp đưa ra những tác động tích cực, và điều đó sẽ giúp cho những cuộc cách mạng có thể thành công. 
“Every man of humane convictions must decide on the protest that best suits his convictions, but we must all protest.”
- Martin Luther King Jr.  
Tháng Sáu, 2020
#blm 

Comments

Popular Posts