Du học ở Mỹ và những điều không có trong sách hướng dẫn

Theo một cuộc khảo sát từ HSBC năm nay, tỉ lệ sinh viên Việt Nam du học tự túc đã tăng tới 10 lần so với năm 2006 (cách đây 10 năm), và đạt khoảng 90% trên tổng số sinh viên Việt Nam đi du học. Thời học sinh của mình (thế hệ đầu 9x), du học vẫn còn là một điều xa xỉ lắm. Mình thấy mừng là bây giờ thế hệ đàn em sau mình đã có nhiều cách tiếp cận thông tin hơn, có nhiều điều kiện để tìm ra nhiều con đường học tập cho bản thân hơn. Chưa bàn đến điều kiện kinh tế của gia đình, nguồn thông tin từ các trường ở nước ngoài, cựu học sinh – sinh viên và các tổ chức giáo dục đã trở thành những điều kiện hỗ trợ cho quyết định du học của các em rất nhiều rồi. Nói chung là, bây giờ du học không khó. Nhà không cần có quá nhiều điều kiện để con em được đi du học vì có nhiều lối đi và các bạn trẻ đều được chuẩn bị để trang bị gì cho từng lối đi đã chọn. Dạo gần đây mình chơi với nhiều bạn lứa 93-95, các bạn làm mình thấy cũng vui vì suy cho cùng các bạn là minh chứng của một sự đi lên và đi xa của kinh tế và giáo dục Việt Nam.

Dạo gần đây nhiều bạn inbox cho mình hỏi chuyện đi du học, chuyện kiếm việc, chuyện yêu đương (hihi) khi ở Mỹ. Mình không phải là người đi du học lâu năm hay là nằm trong top các bạn trẻ nổi bật của cộng đồng du học sinh nhưng nhiều bạn cũng muốn nghe chia sẻ từ nhiều phía nên mình góp một phía. Mình có ghé qua châu Âu một tí teo, bạn bè ở Pháp, Bỉ và Đức cũng có kha khá, nhưng mình chỉ chia sẻ kinh nghiệm của mình ở Mỹ vì mình nghĩ là mình đã có cái nhìn đủ rộng để nhận xét về cuộc sống học tập và làm việc ở đây. Đây là những điều mà mình đã không nghĩ mình/du học sinh sẽ phải cân nhắc trước khi xách túi lên và bay, đến bây giờ ngẫm ra mới thấy Ồ. Bài này sẽ viết về Thực Tập (internship).

Sự quan trọng của thực tập

Các bạn chắc đã nghe về “thực tập” suốt. Nói thật mấy bạn nghe, thời của mình, không có mấy ai nhấn mạnh sự quan trọng của thực tập. Hầu hết mọi người đều suy nghĩ, cứ tập trung học cho tốt, kết quả dẫn đầu trường/khoá/ngành sẽ là điểm đẹp nhất trong resume/CV. Đúng, đó sẽ là dòng đẹp nhất trong hồ sơ của bạn, nhưng đó không phải là dòng quan trọng nhất. Một thực trạng khi kiếm việc làm ở Mỹ trong thời gian này đó là những yêu cầu cho sinh viên mới ra trường luôn bao gồm kinh nghiệm làm việc tại lĩnh vực có liên quan. Các dự án trong quá trình đi học cũng tốt, nhưng thực tế là vẫn chưa có giá trị bằng ba tháng bạn thực sự làm việc trong môi trường công sở. Một khi bạn đã đặt chân đến trường ở Mỹ rồi, mình khuyên các bạn nên hỏi phòng tư vấn của trường về hướng dẫn của việc tìm kiếm thực tập ngay và luôn. 

Lấy lớp “Thực tập” (yêu cầu có tín chỉ, bạn phải chọn đi thực tập như đi lấy lớp vậy) có nghĩa rằng thì là mà bạn sẽ phải kéo dài thời gian học cho các môn khác thêm một tí, sẽ là đi theo vấn đề về kinh tế. Nhưng nếu bạn chịu khó tìm kiếm và có sự chuẩn bị kĩ càng, thì lương thực tập (cho dù rất ít) + kinh nghiệm làm việc > GPA 4.0. Ngoài ra, đừng suy nghĩ theo hướng “có thực tập để ghi vào resume”, vì các chuyên viên tuyển dụng nhìn vào tính chất công việc có thể hiểu ra ngay bạn có mục tiêu đi làm thông minh hay không. Cũng chưa cần nghĩ sâu xa, “chọn đại một công việc để thực tập” đã là một quyết định làm uổng phí thời gian, sức lực và tiền bạc của bản thân bạn khi công việc đó không có ích cho sự phát triển cá nhân. Thực tập cũng là một trong những bước đầu để bạn làm quen với việc phỏng vấn.

Tìm thực tập ở đâu
Đối với du học sinh ở Mỹ, bạn có thể tìm kiếm thông tin thực tập ở các website chuyên về kiếm việc/thực tập như sau (mình xếp theo thứ tự quan trọng luôn):
  1. Job board của trường và các thầy/cô/hướng dẫn viên trong trường. Chắc bạn đã biết sự quan trọng về việc xây dựng các mối quan hệ tốt để học hỏi kinh nghiệm và cũng như để người khác thấy được bạn đang đi theo mục tiêu nào. Không có ai muốn hoài phí một tài năng nào cả, nên một khi bạn đủ can đảm để nói cho họ biết kế hoạch học tập và làm việc của bạn thế nào, họ sẽ giúp bạn. Đưa bạn vào được những công ty tốt cũng là một cách để đánh bóng tên tuổi trường và hội sinh viên. Vậy nên, đây là việc đôi bên đều có lợi, bạn không nên nghĩ là bạn đang làm phiền họ. Ngược lại, bạn nên hỏi khi bạn có bất kỳ thắc mắc nào. Nếu bạn không nói thì không ai biết bạn cần gì, họ cũng không biết giúp thế nào vì chính bạn hiểu bạn nhất. Công việc thực tập được trả lương của mình – viết báo + biên tập + marketing cho một chuyên trang về du lịch và văn hoá quốc tế (The Culture Trip) là do mình hay luyên thuyên với chị hướng dẫn viên trong trường về sở thích đi lang thang và viết blog của mình.
  2. LinkedIn. Bạn chắc hẳn đã nghe về LinkedIn – một mạng xã hội mang tính chuyên nghiệp và tập trung vào việc tìm kiếm và chia sẻ kinh nghiệm làm việc. Nếu bạn chưa có LinkedIn, hãy tạo ngay một tài khoản LinkedIn và bắt đầu tìm hiểu những gì bạn cần tích góp và xây dựng cho hồ sơ của mình để đạt được mục tiêu sự nghiệp của bản thân. LinkedIn Jobs cũng là nơi có tin tuyển dụng nhiều nhất.
  3. Glassdoor. Chuyên trang này vừa là nơi đăng tin tuyển dụng và vừa là thư viện để bạn tìm hiểu về công ty, ngành nghề, mức lương, câu hỏi phỏng vấn và quy trình phỏng vấn của các công ty. Tạo một tài khoản trên Glassdoor và thường xuyên cập nhật resume của bạn cũng là một điều sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều khi bạn chuẩn bị tốt nghiệp. 
  4. Indeed.com. Trang chuyên tin về tuyển dụng, theo đánh giá của mình là nhiều nhưng ít có chọn lọc. Có nhiều thông tin công việc đăng trên website và thực tế khác nhau một trời một vực, rất nhiều công ty đã biết sự khó khăn về kiếm việc làm cho du học sinh và họ tận dụng yếu tố visa khá là ranh ma, mình sẽ viết về kinh nghiệm mình mém bị lừa ở đây.
  5. Job board của công ty bạn muốn làm. Cho dù bạn chưa biết bạn có thể làm gì, bạn cũng có thể lên danh sách các công ty bạn thích. Thực tập là một cách để bạn biết bạn có thể làm những công việc mà bạn nghĩ bạn thích hay không. Bạn nên tạo một danh sách các công ty bạn muốn vào làm nhất, công việc và vị trí cụ thể.
  6. Internmatch (Looksharp.com) và Internships.com. Đây là hai trang chuyên tập trung vào internships và volunteer. Mình không đặc biệt ưa thích hai trang này vì thực tế thì nhiều công việc đăng ở đây là thực tập không lương. Tuy nhiên, vẫn có một số công ty lớn đăng thông tin thực tập của họ ở đây (CBS, Apple, etc.). Hai trang này vẫn có thể là tài liệu hỗ trợ để bạn có thêm nguồn tham khảo.
Mỹ cũng giống như Việt Nam vậy, vẫn có những công việc “thực tập” mang tính trừu tượng và có thể làm bạn thất vọng vì không như mình tưởng tượng. Nhưng việc thực tập đem lại cho bạn cái nhìn sâu hơn về công việc bạn muốn làm và cũng giúp bạn bồi dưỡng các mối quan hệ. Có những điều bạn thích nhưng chưa hẳn đã là lĩnh vực bạn làm tốt nhất.

Comments

Popular Posts